Câu 1: (3,0 điểm)
1. Cho các loại protein: amilaza, insulin, tubulin, AND polimeraza. Hãy cho biết các loại protein trên được tổng hợp từ loại riboxom nào trong 3 loại sau: riboxom bám màng, riboxom tự do và riboxom ti thể? Giải thích.
2. Bằng kĩ thuật phù hợp, một nhà khoa học đã tách riêng và đo hàm lượng AND nhân và AND ti thể trong các tế bào cùng loài ở các pha khác nhau của chu kì tế bào. Hãy cho biết hàm lượng tương đối của AND nhân và AND ti thể thay đổi như thế nào qua các pha nói trên?
Câu 2: (3,0 điểm)
1. Nấm sống cộng sinh ở rễ thực vật (rễ nấm) có những dạng chủ yếu nào? Nêu vai trò của rễ nấm đối với dinh dưỡng ở thực vật.
2. Virut cúm A/H5N1 lây truyền bệnh ở người và gia cầm, còn virut cúm A/H3N2 chỉ lây truyền bệnh ở người. Giả sử người ta tạo được virut lai bằng cách tách hệ gen (ARN) của virut A/H5N1 ra khỏi vỏ capsit của nó, rồi chuyển vào đó hệ gen (ARN) của virut A/H3N2.
a. Trình bày giai đoạn sinh tổng hợp (nhân lên) của virut lai vừa tạo ra (thế hệ 0) sau khi xâm nhập vào tế bào người. Biết rằng virut cúm A có hệ gen ARN (-) và phiên mã tổng hợp mARN từ khuôn ARN hệ gen của nó.
b. Virut lai thế hệ 1 có khả năng lây truyền bệnh ở gia cầm không? Giải thích. Biết rằng không có đột biến mới xảy ra.
3. Tính tốc độ sinh trưởng trung bình và thời gian thế hệ của một chủng vi khuẩn tăng trưởng từ $5.10^2$ lên $10^8$ tế bào trong 12 giờ.
Câu 3: (2,0 điểm)
Trong thí nghiệm nhân giống cây khoai mì, người ta chọn các đoạn thân dài 15cm, đường kính 1 – 1,5cm. Các đoạn thân chia thành 2 nhóm, cắm vào chậu đất pha cát như sau:
– Nhóm A: cắm đầu phía gốc của đoạn cắt vào đất (chiều thuận).
– Nhóm B: cắm đầu phía ngọn của đoạn cắt vào đất (chiều nghịch).
Tưới nước duy trì độ ẩm cần thiết cho các chậu thí nghiệm. Sau 7 ngày lấy các đoạn thân ra quan sát sự mọc chồi và ra rễ. Biết rằng các điều kiện khác của thí nghiệm đều như nhau. Hãy dự đoạn kết quả thí nghiệm và giải thích cơ sở của các dự đoạn đó.
Câu 4: (2,0 điểm)
Thí nghiệm của Celand (1995) nghiên cứu tác dụng của auxin lên sự kéo dài của đoạn cắt bao lá mầm lấy từ cây mầm yến mạch Avera. Các đoạn cắt bao lá mầm có chiều dài 10mm được chia thành 3 lô thí nghiệm:
– Lô I: Các đoạn cắt được ngâm trong dung dịch 0,1M saccarozo;
– Lô II: Các đoạn cắt được ngâm trong dung dịch $10^{-5}$M IAA;
– Lô III: Các đoạn cắt được ngâm trong dung dịch chứa $10^{-5}$ IAA và 0,1M saccarozo.
Khả năng kéo dài của đoạn cắt bao lá mầm ở 3 lô thí nghiệm được tính theo phần trăm tăng thêm so với kích thước ban đầu (Hình 1); riêng ở lô II được tính theo cả đơn vị đo chiều dài mm (Hình 2). a. Sự kéo dài của đoạn cắt bao lá mầm bắt đầu tăng nhanh ở thời điểm nào sau khi ngâm trong dung dịch chứa $10^{-5}$M IAA?
b. Phân biệt cơ chế tác dụng của IAA và saccarozo đến tế bào trong sự kéo dài đoạn cắt bao lá mầm khi được sử dụng riêng biệt?
c. Saccarozo đã phối hợp hoạt động với IAA như thế nào để tăng cường sự kéo dài đoạn cắt bao lá mầm ở thí nghiệm này?
Câu 5: (2,0 điểm)
1. Hãy cho biết tên của các quá trình (1), (2), (3), (4) ở hình bên: 2. Lấy hai phần hạt đậu khô, mỗi phần 10g. Phần thứ nhất sấy khô ở $100^oC$ để xác định trọng lượng khô tuyệt đối và được 8,8g. Phần thứ 2 cho vào cát ẩm, một tuần sau rửa sách, xác định trọng lượng tươi của mầm được 27,1g và sấy khô được 7,0g. Hãy nhận xét sự thay đổi khối lượng tươi và khô của hạt khi nảy mầm. Giải thích nguyên nhân của sự thay đổi này.
Câu 6: (1,0 điểm)
Loài thực vật B chỉ ra hoa vào mùa hè mà không ra hoa vào mùa đông. Khi làm thí nghiệm nhằm giúp cây ra hoa vào mùa đông, người ta đã xử lí cây từ giai đoạn còn non bằng cách ngắt quãng đêm dài nhờ chớp ánh sáng đỏ nhưng cây vẫn không ra hoa. Một học sinh kết luận rằng cây B chính là cây ngày dài.
a. Dựa vào đâu mà bạn học sinh đưa ra kết luận này?
b. Cần tiến hành thí nghiệm như thế nào để khẳng định kết luận của học sinh trên là đúng.
Câu 7: (2,0 điểm)
1. Các rối loạn hô hấp có thể được phân loại một cách đơn giản thành dạng tắc nghẽn và dạng hạn chế. Rối loạn dạng tắc nghẽn được đặc trưng bởi sự giảm dòng khí trong ống hô hấp. Rối loạn dạng hạn chế đặc trưng bởi sự giảm thể tích khí ở phổi.
Hình dưới đây cho thấy hình dạng của đường cong dòng chảy – thể tích đo được khi hít vào cố sức và thở ra cố sức ở người khỏe mạnh với chức năng hô hấp bình thường và bốn bệnh nhân bị các rối loạn hô hấp thường gặp. a. Bệnh nhân bị rối loạn dạng 1 có pH máu thay đổi như thế nào so với người khỏe mạnh?
b. Bệnh nhân bị rối loạn dạng 3 có nhịp thở thay đổi như thế nào so với người khỏe mạnh?
c. Giải thích vì sao bệnh nhân bị rối loạn dạng 2 có thời gian hít vào cố sức dài hơn người khỏe mạnh?
d. Bệnh nhân bị rối loạn dạng 4 có thể tích khí cặn thay đổi như thế nào với người khỏe mạnh?
2. Tuyến ức có vai trò hình thành các tế bào lympho T chức năng. Trẻ dị tật thiếu tuyến ức có mức độ đáp ứng miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch bị ảnh hưởng như thế nào? Giải thích.
Câu 8: (3,0 điểm)
1. Khi sự chênh lệch giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu không vượt quá 20mmHg thì được gọi là huyết áp kẹp. Hai bệnh nhan cùng bị huyết áp kẹp. Khi đi khám bệnh, bác sĩ cho biết nguyên nhân do một người bị hẹp van động mạch chủ, người kia bị hẹp van hai lá. Hãy giải thích tại sao hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van hai lá lại có thể gây kẹp huyết áp?
2. Phù nề là hiện tượng tích tụ nhiều dịch kẽ (dịch gian bào) ở bên ngoài tế bào. Ở người, những trường hợp nào sau đây gây ra phù nề, không gây ra phù nề? Giải thích.
a. Nồng độ protein trong máu thấp.
b. Nồng độ glucozo trong máu thấp.
3. Đông máu là một phản ứng bảo vệ cơ thể tránh mất máu trong trường hợp mạch máu bị rách. Quá trình đông máu được minh họa ở hình sau đây: Khả năng đông máu ở những trường hợp sau đây bị ảnh hưởng thế nào? Giải thích.
a. Người bị bệnh suy tủy xương.
b. Người bị bệnh suy giảm chức năng gan.
c. Người có chế độ ăn thiếu $Ca^{2+}$ dẫn đến $Ca^{2+}$ máu thấp hơn so với người khỏe mạnh bình thường.
Câu 9: (2,0 điểm)
1. Một người đàn ông bị bệnh cao huyết áp do nồng độ andosteron cao. Huyết áp của ông ta là 164/102 mmHg. Nồng độ andosteron cao trong máu còn gây ra những thay đổi như thế nào đối với pH máu, nồng độ $K^+$ trong máu, thể tích dịch ngoại bào? Giải thích.
2. Hình sau đây thể hiện một con đường truyền tín hiệu thần kinh qua các noron A, B, C trong điều hòa vận động cơ xương M. Các chất trung gian hóa học $X_1$, $X_3$ làm mở kênh $Na^+$ và $X_2$ làm mở kênh $Cl^-$ của màng sau xinap. Biết rằng sự khử cực noron làm giải phóng chất trung gian hóa học, sự tăng phân cực của noron không làm giải phóng chất trung gian hóa học. Hãy cho biết khi kích thích đến ngưỡng và liên tục lên noron A thì cơ M co hay dãn? Giải thích.
Trang chủ/
CHỌN ĐỘI TUYỂN HSGQG/Đề thi chọn ĐT thi HSG quốc gia môn Sinh học TP Hồ Chí Minh 2020-2021 (Ngày thứ nhất)
Đăng bình luận